Đang tải...
Sau vài năm trời ngụp lặn, Intel Core Ultra 9 285K đánh dấu sự trở lại với nhiều điểm đáng chú ý.
Mười bốn năm trước, Intel ra mắt Intel Core i thế hệ đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên thành công gần mười năm của hãng. Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng có lúc tàn, sự thống trị của hãng dần bị lu mờ và những năm gần đây đã có sự lép vế. Điển hình có thể kể đến là màn ra mắt ít được chú ý của Intel Core i9 14 th series với cái mác nóng và ăn điện.
Không thể mãi chịu ngụp lặn, "đội xanh" mới đây đã ra mắt Intel Core Ultra thế hệ 2 với tên mã Arrow Lake cùng sự xuất hiện của các mã CPU cho máy tính để bàn. Đây là lần đầu tiên các CPU cho máy tính để bàn của Intel bỏ thương hiệu Core i để chuyển sang Core Ultra với lá cờ đầu là Intel Core Ultra 9 285K.
Ngoài vi kiến trúc, một trong những thay đổi lớn nhất của Intel Core Ultra series 2 là socket mới, LGA1851. Điều này đồng nghĩa với việc để sử dụng được dòng CPU mới này, người dùng sẽ cần nâng cấp lên các bo mạch chủ chipset 800 series. Điểm tích cực là các tản nhiệt tương thích với socket thế hệ trước, LGA1700 vẫn có thể sử dụng được trên dòng CPU mới này.
So với người tiền nhiệm Intel Core i9-14900K, số lượng luồng xử lý của Intel Core Ultra 9 285K được rút xuống chỉ còn 24 luồng, tương ứng với 8 P-core và 16 E-core, loại bỏ công nghệ HyperThreading thường thấy trên các CPU Core i. Thực tế, với nhu cầu thông dụng hoặc chơi game, 24 luồng gần như đã là quá đủ. Đồng thời, xung nhịp tối đa cũng được giảm đôi chút, chỉ còn ở mức 5.7GHz. Thực tế, đây là một động thái tối ưu giữa hiệu năng, nhiệt độ và mức tiêu thụ điện, là vấn đề vốn nhức nhối của 2 thế hệ CPU trước cũng như là điều được lãnh đạo của Intel hứa hẹn cải thiện trong buổi ra mắt sản phẩm vào tháng trước.
Tất nhiên, khi thế hệ CPU mới ra mắt, đặc biệt là ở tình thế đang bị nhiều áp lực như Intel, điều người dùng quan tâm nhất chắc chắn sẽ là hiệu năng của CPU đầu bảng như Ultra 9 285K nói riêng và Ultra series 2 nói chung. Với hậu tố "K", Ultra 9 285K có khả năng ép xung, vốn được đơn giản hóa nhờ công cụ độc quyền Intel Extreme Tuning Utility (Intel XTU) cùng việc được tối ưu nhiệt độ, người dùng có thể dễ dàng "vắt" thêm chút hiệu năng từ CPU một cách dễ dàng.
Cấu hình thử nghiệm:
CPU: Intel Core Ultra 9 285K
Mainboard: ROG STRIX Z890-E GAMING WIFI
RAM: G.SKILL Trident Z5 Royal RGB 48GB 7200MHz DDR5
GPU: MSI GeForce RTX 4070 GAMING X SLIM 12G
Tản nhiệt CPU: Cooler Master Atmos 360
PSU: Corsair SF1000
Thực tế, với mức tiêu thụ điện năng tối đa ở PL2 là khoảng 250W, người dùng nên trang bị cho cấu hình của mình một chiếc nguồn từ 750W cùng hiệu suất cao 80Plus Gold trở lên. Nếu sử dụng các GPU cao cấp của NVIDIA như RTX 4080 thì mức khuyến nghị sẽ là từ 1000W.
Hiệu năng của Intel Core Ultra 9 285K ở một số bài thử sẽ được đo đạc và so sánh giữa trạng thái thông thường và trạng thái được ép xung tự động bởi Intel XTU. Ngoài ra, vì đánh giá khi Intel Core Ultra 9 285K chưa bán ra nên BIOS của mainboard có thể chưa phải là tối ưu nhất, thông số hiệu năng benchmark có thể sẽ có sự cải thiện hơn sau ngày mở bán khi các nhà sản xuất OEM tung ra bản BIOS mới nhất.
Ở bài thử PCMark 10 với điểm số của Intel Core Ultra 9 285K khi không ép xung ở bên trái và có ép xung ở bên phải, mức tăng đạt được ở mức 3% mà người dùng không cần thao tác quá nhiều, thậm chí không cần cả vào BIOS.
Trong khi đó, với 3DMark, sự chênh lệch về hiệu năng có thể lên tới 6%, đặc biệt là ở điểm số đơn luồng.
Thử nghiệm nén file với 7-Zip, mức chênh lệch hiệu năng chỉ khoảng 2,5%, không quá đáng kể.
Với một số tựa game được thử nghiệm nhanh như The Division 2, Final Fantasy XIV, Black Myth: Wukong, nhất là ở các độ phân giải dần phổ biến hiện nay như 2K và 4K, mức sử dụng CPU gần như là không đáng kể, chứng minh cho luận điểm về việc không cần có nhồi nhét thêm luồng cho CPU. Đến cả một tựa game sử dụng Unreal Engine 5, không được quá tối ưu như Black Myth: Wukong, mức sử dụng CPU cũng chỉ ở gần 90% và tập trung ở các nhân hiệu năng cao P-Core. Nhiệt độ hoạt động khi chơi game cũng tương đối mát mẻ, thậm chí không vượt quá 70 độ C.
Nhiệt độ hoạt động của Intel Core Ultra 9 285K cũng là thứ rất được người dùng quan tâm, đặc biệt sau 4 năm liền trải nghiệm tình trạng quá nhiệt của các CPU nhiều nhân nhiều luồng nhưng ăn điện khủng khiếp của Intel.
Khi chạy CineBench R23, bài thử khiến CPU sinh nhiệt lượng lớn khi sử dụng tập lệnh AVX, nhiệt độ đã được kiểm soát tốt khi không bao giờ vượt quá 90 độ C, ở điều kiện sử dụng tản nhiệt AIO có radiator kích thước 360mm và nhiệt độ phòng 27 độ C. Dù mức tiêu thụ điện có thể lên tới 280Wh, ít nhất chúng ta có thể thấy Intel đã phần nào thành công trong việc cải thiện nhiệt độ hoạt động của CPU. Không những thế, nhiệt độ của CPU cũng nhanh chóng quay về mức loanh quanh 40 độ C chỉ trong vài giây sau khi ngắt các tác vụ sinh nhiệt.
Nhìn chung, Intel Core Ultra 9 285K đã có những cải tiến so với người tiền nhiệm, đồng thời được bổ sung thêm bộ xử lý Intel AI Boost để phục vụ các tác vụ chuyên cho AI. Dù chưa tạo cảm giác về bước nhảy vọt hiệu năng giữa hai thế hệ, Intel Core Ultra 9 285K đã bước đầu giải quyết được vấn đề nhiệt năng. Nếu vẫn duy trì được đà phát triển sản phẩm này, chúng ta có thể ước mơ về một màn "comeback" đến từ đội xanh. Còn từ giờ đến lúc đó, người dùng trung thành với đội xanh hoàn toàn có thể sắm cho mình một cấu hình máy mới trang bị CPU Intel Core Ultra series 2 đem lại hiệu năng chơi game ổn định, khả năng xử lý và tăng tốc AI chấp nhận được trong khi không còn quá phải bận tâm về vấn đề tản nhiệt.