Đang tải...
Những bộ vi xử lý Intel kiến trúc Lunar Lake được trang bị một trong hai chip xử lý đồ họa Xe mới thuộc tế hệ thứ 2. Sức mạnh của chúng ra sao so với những thế hệ đồ họa onboard cũ hơn, và liệu bạn có thể yên tâm chiến game, làm việc khi trang bị cho mình những bộ vi xử lý này?
Những sản phẩm trong dòng vi xử lý mới của Intel được trang bị một trong hai loại chip đồ họa tích hợp là Arc Graphics 130V và Arc Graphics 140V. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và đo lường sức mạnh của chúng trong những bài test từ công việc đến game, để xem liệu những chip đồ họa tích hợp này có đủ sức giúp game thủ và người dùng vượt qua mọi thử thách hay không.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai phiên bản chip đồ họa Intel Arc Graphics 130v và 140v là số lượng nhân xử lý và xung nhịp. Trong đó, phiên bản 130V có 76 nhân Xe còn bản 140V sở hữu 8 nhân. Chúng cũng thuộc thế hệ nhân Xe thứ 2, trong đó mỗi nhân được trang bị 8 Xe vector engine, hỗ trợ DirectX 12 và xử lý ray-tracing từ phần cứng.
Với sức mạnh xử lý của mình, các chip đồ họa này có khả năng phát hình ở độ phân giải 8K, 60 FPS hay 3x 4K 60 FPS thông qua các cổng kết nối DisplayPort 2.1 hoặc HDMI 2.1. Xung nhịp của chúng dao động từ 1.85GHz đến 2.05GHz, tùy vào phiên bản CPU trong đó con chip Core Ultra 9 288V đạt được mức xung nhịp cao nhất.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thử nghiệm con chip Core Ultra 7 258V được trang bị Arc Graphics 140V có xung nhịp 1.95GHz. Nó là một phần trong chiếc laptop Asus Zenbook S14, một máy tính xách tay 14 inch mỏng nhẹ được trang bị 32 GB RAM LPDDR5x-8533. Ngoài ra, một số laptop khác cũng sẽ được thử nghiệm để tham khảo.
Để xác định hiệu suất giữa các card đồ họa khác nhau, chúng ta xem xét mức tiêu thụ điện năng cùng với hiệu suất thuần túy trong các bài test tổng hợp. Các phép đo điện năng tiêu thụ được thực hiện trên màn hình rời để loại bỏ các ảnh hưởng khác nhau của màn hình được trang bị sẵn trên laptop. Tuy nhiên, chúng tôi đo tổng mức tiêu thụ của hệ thống chứ không chỉ so sánh các giá trị TDP.
Chip đồ họa tích hợp Arc Graphics 140V mới hoạt động cực kỳ tốt trong các phép đo tổng hợp. Ở chế độ nhanh nhất, TDP được đặt ở mức 37/28 watt, trong khi ở chế độ hiệu suất, nó là 37/24 watt. Cả hai cấu hình đều đạt được hơn 4,000 điểm trong bài kiểm tra Time Spy, khiến Arc Graphics 140V trở thành chip đồ họa tích hợp nhanh nhất hiện tại. Để so sánh, Radeon 890M, hoạt động trong tình trạng giới hạn công suất tương tự trong Zenbook S 16 có điểm số thấp hơn 15%.
Trong bài kiểm tra Steel Nomad đòi hỏi cao về sức mạnh xử lý đồ họa, Arc Graphics 140V tiếp tục thể hiện ưu thế thậm chí còn lớn hơn so với Radeon 890M, vượt trội đến 59%. Để so sánh thì GPU tích hợp nhanh nhất của Qualcomm là Adreno X1-85 với sức mạnh xử lý 4.6 TFLOPS cũng tụt hậu 33% trong bài kiểm tra gốc. Tuy nhiên, khi chúng ta đến với phép thử WildLife Extreme Unlimited, cả ba chip xử lý đồ họa Arc Graphics 140V mới, Radeon 890M và Adreno X1-85 có điểm số tương tự nhau, trong khi GPU M3 của Apple rõ ràng dẫn đầu trong điểm chuẩn này.
Ngoài ra, chip Arc Graphics 140V trên CPU Core Ultra 9 288V với xung nhịp tối đa 2.05 GHz nhanh hơn khoảng 3-4% so với phiên bản 1.95 GHz trong các phép thử tổng hợp. Tất cả các chip đồ họa tích hợp bên trên đều cho điểm số cao hơn so với card đồ họa RTX 2050 bản mobile, nên bạn có thể yên tâm chiến không ít game, hay làm các tác vụ đồ họa nặng trên những máy tính xách tay trang bị những chip đồ họa này.
Tuy nhiên trong các bài test OpenGL và OpenCL, các chip đồ họa Arc Graphics 140V tỏ ra yếu hơn hẳn. Trong một số trường hợp chúng thậm chí còn có điểm số thua cả những người tiền nhiệm, nhưng điều này có thể là bởi driver chưa được tối ưu và các bản cập nhật tương lai hẳn sẽ cải thiện vấn đề này.
Trong phần thử nghiệm gaming, chúng ta có một tin mừng: chip đồ họa Arc Graphics 140V mới có hiệu năng khá ấn tượng, và có thể chạy mượt những trò chơi nặng nề như Cyberpunk 2077 hay Baldur's Gate 3 ở độ phân giải 1080p, chỉ cần hi sinh chất lượng đồ họa. Game thủ cũng có thể cải thiện số khung hình thông qua công nghệ upscale XeSS của Intel.
Có thể thấy rằng thế hệ chip đồ họa onboard mới của Intel đã khắc phục được nhược điểm của đời trước là điểm số benchmark thì cao nhưng sử dụng thực tế lại kém hơn hẳn. Dù hiệu năng của chúng có thể thay đổi khá lớn tùy theo game, điểm chung là các chip đồ họa mới này đều mang lại số khung hình ổn, và sẽ chơi mượt các trò chơi hiện đại nếu game thủ không có yêu cầu cao về đồ họa.
Điểm số PugetBench Photoshop và PugetBench PremierPro của Arc Graphics 140V lần lượt là 6998 và 2984. Để so sánh, Arc Graphic trong Core Ultra 7 155H đạt các điểm số là 5892 và 2079. Trong bài kiểm tra Premiere Pro, Arc Graphics 140V mới trên laptop có 32 GB RAM mang lại kết quả ngang ngửa với Radeon 890M, mặc dù 890M hoạt động tốt hơn khi nói đến Photoshop. Nếu bạn chọn phiên bản Core Ultra 7 256V và 16GB RAM thì Arc Graphics 140V chỉ được phân bổ 8 GB RAM, ảnh hưởng đến hiệu suất của laptop trong trường hợp này.
Ngoài việc mang đến hiệu suất cao cho game thủ, các chip đồ họa này cũng đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc giảm tiêu hao điện năng. Trong Cyberpunk 2077, con chip Arc Graphics 140V của Core Ultra 8 258V mang lại trung bình 0.696 khung hình mỗi Watt điện tiêu hao, cao hơn 31% so với thế hệ Arc 8 Core trước, hay 36% nếu so sánh với chip Adreno X1 của Snapdragon. Điều này giúp người dùng có thể sử dụng laptop trang bị Arc Graphics 140V lâu hơn trước khi phải cắm sạc, một điểm cộng lớn đối với những ai thường xuyên phải di chuyển và làm việc, giải trí trên máy tính xách tay.
Tương tự như vậy, con chip đồ họa mới của Intel dẫn trước tất cả các đối thủ từ AMD và Qualcomm trong The Witcher 3. Tuy nhiên nó vẫn chịu thua hiệu năng chip M3 của Apple từ 17 đến 35%.
Những bài test trên cho thấy sức mạnh đáng nể của các chip đồ họa Arc Graphics 140V trong thế hệ CPU mới của Intel. Chúng mang lại hiệu năng đáng nể trong khi có sự cải thiện rõ rệt về điện năng tiêu thụ, nên trừ khi bạn là fan của Apple thì không có lý do gì lại không nhắm đến một sản phẩm sử dụng dòng chip đồ họa onboard mới nhất của Intel.
Một điều thú vị khác nữa mà Sforum nhận thấy sau các kết quả test này là việc những con chip này có thể trở thành lựa chọn phù hợp cho các công ty sản xuất PC cầm tay. Đây là một thị trường mới bắt đầu trở nên sôi động trong vài năm trở lại đây, nhưng Intel không đạt được nhiều thành công bởi sức mạnh và hiệu năng của các con chip cũ của họ không thực sự ấn tượng. Hãy cùng chờ đợi các thế hệ sản phẩm laptop, PC cầm tay mới mạnh mẽ hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn ra đời trong tương lai.